Đảm nhận công tác quản lý giáo dục nơi vùng biên cương phía Tây của tỉnh với muôn vàn khó khăn, suốt hơn 5 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Lưu, Hiệu trưởng Trường mầm non Trường Sơn (Quảng Ninh) đã truyền cảm hứng cho cô và trò nơi đây trong sự nghiệp “trồng người”. Từ 9 điểm trường với 16 nhóm lớp, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 83% vào năm 2016, đến nay, xã Trường Sơn đã có 13 điểm trường với 22 nhóm lớp, tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ tăng 21%, mẫu giáo tăng 15%…
Như thường lệ, suốt 5 năm qua, cứ ngày đầu tuần là cô giáo Nguyễn Thị Lưu lại một mình
Dù quãng đường đi lại khó khăn đến đâu cũng không thể ngăn được tình yêu thương và đam mê với nghề của Cô Nguyễn Thị Lưu đối với những em học sinh nhỏ xã Trường Sơn.
trên chiếc xe máy từ thị trấn Quán Hàu vượt gần 70km đường đèo quanh co, hiểm trở đến với điểm trường mầm non ở trung tâm xã Trường Sơn. Những ngày cuối năm rét buốt, trên con đường núi vẫn còn những điểm đường lầy lội bùn đất do sạt lở núi trong đợt mưa lũ tháng 10 và tháng 11 vừa qua, cô Lưu vẫn cẩn trọng và vững vàng tay ga, bởi những khó khăn đó vốn đã quen thuộc trong hơn 5 năm cô đảm nhiệm công tác quản lý giáo dục mầm non ở xã Trường Sơn.
Đứng chân trên địa bàn xã thuộc vùng dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn xã rộng và dàn trải, nên Trường mầm non Trường Sơn gặp muôn vàn khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ, cô giáo Nguyễn Thị Lưu vẫn còn xúc động: “Thời điểm năm 2016, khi tôi vừa tiếp nhận công tác, Trường mầm non Trường Sơn mới chỉ có 9 điểm trường, chủ yếu tập trung ở các thôn, bản ở trung tâm xã, nhưng đã có những điểm trường cách điểm trường trung tâm đến cả hai mươi, ba mươi cây số.
Tôi lúc ấy vừa ở đồng bằng lên, nhìn cảnh đường sá xa xôi, cách trở, nhất là vào mùa mưa rét đôi lúc đã thấy nản. Nhưng rồi đi lâu thành quen, thấy vất vả của mình có thấm gì so với những thua thiệt của trẻ em nơi đây. Đó cũng chính là điều thôi thúc khiến tôi và các giáo viên của trường mở thêm các điểm trường, nhóm lớp ở các bản đang “trắng” lớp mầm non, mẫu giáo và thực hiện các biện pháp để huy động trẻ đến lớp”.
Thời điểm cô Nguyễn Thị Lưu tiếp nhận công tác tại Trường mầm non Trường Sơn, Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”. Khi đó, toàn xã có 80 trẻ từ 3-5 tuổi con em đồng bào Bru-Vân Kiều ở các bản “trắng” lớp mẫu giáo, như: Sắt, Hôi Rấy, Nước Đắng, Ploang, Zìn Zìn, Dốc Mây.
Trong 5 năm cô Nguyễn Thị Lưu cùng với nhiều giáo viên của trường nổ lực mở được 4 điểm trường và 6 nhóm trẻ tại các bản khó khăn của xã Trường Sơn.
Trên cơ sở tình hình thực tế, cô giáo Nguyễn Thị Lưu đã bàn bạc với các giáo viên của trường và xây dựng kế hoạch mở lớp ở những bản “trắng” lớp mẫu giáo này, bởi vì muốn dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ thì trước hết phải huy động được trẻ đến trường học 2 buổi/ngày đủ 9 tháng thì mới bảo đảm hoàn thành chương trình giáo dục.
Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng khó khăn thì chồng chất. Cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng học tập chỉ là con số “không”, đội ngũ giáo viên toàn nữ trẻ, trong thời kỳ sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên việc bố trí cắm bản tại những điểm trường dự kiến mở mới rất nan giải. Với trách nhiệm của người đứng đầu, cô giáo Nguyễn Thị Lưu đã trăn trở tìm cách khắc phục để mở lớp ở các bản xa và huy động trẻ vào lớp nhằm bảo đảm quyền lợi được học tập cho trẻ.
Câu chuyện kể về những ngày đầu mở thêm điểm trường của cô Nguyễn Thị Lưu: Năm học 2016-2017, nhà trường chính thức mở thêm 3 lớp mẫu giáo tại 3 điểm trường bản Sắt, Hôi Rấy và Nước Đắng với tổng số trẻ huy động vào lớp là 48 cháu, 100% cháu là người Bru-Vân Kiều. Bước đầu vào mở lớp tại bản Sắt, mọi cơ sở vật chất và điểm mở lớp không có, nhà trường đã mạnh dạn trao đổi với trưởng bản Hồ Văn Sơn xin lấy nhà của con trai ông làm lớp học. Trưởng bản Hồ Văn Sơn rất vui vẻ đồng ý cho con trai về ở nhà mình để nhường nhà con trai cho cô giáo làm lớp học và nơi ở.
Niềm vui của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Lưu và các em học sinh thân yêu sau mỗi giờ lên lớp
Tại bản Hôi Rấy, nhà trường cũng đã vận động trưởng bản mượn và tu sửa ngôi nhà của anh Hồ Văn Nên (anh Nên rời nhà lên xã Ngân Thủy lập nghiệp) để làm điểm dạy. Đến năm học 2017-2018, trường tiếp tục mở lớp tại bản Ploang, bước đầu mượn nhà văn hóa bản để làm nơi học và nơi ở của giáo viên.
Điểm trường Ploang huy động được 22 cháu của 2 bản Ploang và Zìn Zìn vào học. Đây được coi như là bước đột phá, bởi các điểm trường này cách trung tâm xã từ hai mươi đến bốn mươi km đường rừng, phải đi qua nhiều khe suối, đèo dốc đá tai mèo vắng vẻ ít người qua lại…
Hiện Trường mầm non Trường Sơn có 13 điểm trường, 22 nhóm lớp; tỷ lệ chuyên cần đạt cao, chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và các nhà hảo tâm, 13 phòng học tại các điểm trường và 6 phòng học tại trường trung tâm đã được sửa chữa, bổ sung thêm điểm ăn bán trú. Nhờ đó, học sinh con em đồng bào Bru-Vân Kiều được tiếp cận chương trình học đầy đủ, các em có thêm nhiều kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt khi hoàn thành chương trình học mầm non, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội kiến thức khi bước vào cấp tiểu học.
Thấy được kết quả các cô giáo mầm non mang lại, người dân trong bản đều vui mừng chia sẻ, cô giáo mầm non đi đến đâu thì tiếng cười của trẻ con đến đó, nên mọi người ai cũng yêu mến. Trên bức tường nhà văn hóa bản Ploang, phụ huynh còn ghi dòng chữ “Chúng em yêu cô giáo”.
Còn Trưởng bản Sắt Hồ Văn Sơn thì vui vẻ cho biết: “Con cháu mình cần biết cái chữ của Bác Hồ để mà tiến bộ. Thầy cô giáo lên đây, có trường, có lớp dạy chữ Bác Hồ cho con cháu mình. Con cháu mình hiểu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước là rất tốt, mình rất vui. Các cô dìu dắt, bám sát con cháu, con cháu đi học nhiều là tốt, rất cảm ơn các cô!”…
Hiền Phương
0 Nhận xét