(Xã hội) – Nhờ tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về thực hiện công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát, sỏi nói riêng, tình hình khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp và ngày càng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước
Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp và gia tăng cao trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung các lực lượng chức năng nhằm kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác, kinh doanh cát, sỏi. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp.
Ông Phạm Quang Ánh, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên-Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc sở; phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường thực hiện nhiều giải pháp quản lý nhà nước nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông và ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.
Sở rà soát tất cả các mỏ khoáng sản đã cấp phép, trong đó, tập trung các mỏ cát, sỏi về quy trình cấp phép, đánh giá, kiểm soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định về khoáng sản để làm cơ sở cho việc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Đồng thời, đơn vị nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản để bảo đảm hài hòa giữa khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường; tăng cường chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và cấp phép khai thác khoáng sản. Sở tham mưu UBND tỉnh cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông có thời hạn không quá 5 năm để hạn chế tối đa việc thất thoát tài nguyên.
Đơn vị tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, riêng trong năm 2020, sở đã tổ chức cho 1.200 cán bộ, đảng viên (chủ yếu là cán bộ cấp xã, huyện, thành phố, thị xã) và người dân, nhất là đối với người dân và doanh nghiệp ở các xã, phường thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cát, sỏi. Cùng với đó, sở cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản.
Sở cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc kiểm tra việc khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn; thường xuyên giám sát các khu vực khoáng sản có nguy cơ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công khai đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ cơ quan báo chí, tổ chức, cá nhân về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Theo ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, từng được xem là địa bàn nóng về khai thác cát trái phép, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Quảng Trạch đã thành lập lực lượng thường xuyên trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách địa bàn xã, bảo đảm việc tiếp nhận thông tin liên lạc thông suốt 24/24 giờ để kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Đi liền với đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trên địa bàn huyện.
Hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ngoài ra, huyện tăng cường công tác phối hợp với huyện Tuyên Hóa và TX. Ba Đồn (các địa phương có chung đường địa giới hành chính trên sông và cửa biển) trong quản lý khai thác, vận chuyển và sử dụng cát, sỏi nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép; tổ chức xử lý trách nhiệm người đứng đầu UBND các xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác, lập bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép trên địa bàn trong thời gian dài mà không xử lý.
Ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TNMT) cho hay, công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản thời gian qua đã được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Hoạt động kiểm tra, thanh tra đã tập trung vào các nội dung, như: việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản; kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; đặc biệt là thanh tra về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn; kiên quyết xử lý những bến bãi lập sai quy định để lợi dụng tiêu thụ cát, sỏi trái phép, không rõ nguồn gốc… Riêng trong năm 2020, Sở TNMT, UBND tỉnh đã xử lý 5 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 172 triệu đồng…
Tiếp tục mạnh tay trong xử lý các vi phạm
Theo ông Phan Xuân Tuấn, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có một số hạn chế trong hoạt động khoáng sản, như: một số tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi chưa chấp hành nghiêm pháp luật về khoáng sản (bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ chưa đúng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khai thác không theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt; khai thác vượt công suất cho phép; chưa thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ môi trường nơi khai thác khoáng sản…); tình trạng nợ đọng thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường còn xảy ra. Đối với công tác phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khai thác khoáng sản, một số mỏ thực hiện chưa dứt điểm, còn để kéo dài.
Việc xử lý vi phạm ở một số địa phương còn chưa nghiêm, thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe nên rất khó để ngăn chặn, xử lý triệt để việc khai thác, tập kết, kinh doanh vận chuyển khoáng sản trái phép… Vì vậy, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn xảy ra ở quy mô nhỏ chủ yếu vào ban đêm khi lực lượng chức năng không hoạt động tuần tra, kiểm tra và tập trung tại các khu vực chưa đưa vào quy hoạch khoáng sản của tỉnh…
Trước vấn đề này, ông Phạm Quang Ánh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Qua kiểm tra sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định. Đặc biệt, kiên quyết không tham mưu UBND tỉnh gia hạn giấy phép và không cấp giấy phép mới đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý; dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống người dân”.
“Thời gian tới, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tăng cường công tác quản lý các bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông; tổ chức thanh tra, kiểm tra để xử lý dứt điểm tình trạng lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép; bảo vệ khoáng sản chưa khai thác… Huyện yêu cầu tháo dỡ các máy móc, thiết bị dùng để khai thác cát, sỏi trái phép; tịch thu thiết bị, đình chỉ hoạt động theo quy định đối với các phương tiện vi phạm…”, ông Phan Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết thêm.
Để thực hiện ngày càng hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản trên địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay, UBND huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, xã để kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; phối hợp với các đơn vị chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tập kết, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm điều kiện kinh doanh.
Cùng với đó, Bố Trạch sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức và người dân trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản…
Bùi Thành
0 Nhận xét