(Văn hóa) – Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhiều làng quê ở Bố Trạch như: Khương Hà (Hưng Trạch), Mỹ Trạch, Hải Phú… vẫn còn lưu giữ được tài sản văn hóa tinh thần đặc sắc với nghệ thuật hát tuồng bội. Cứ mỗi dịp Tết hay lễ Quốc khánh, những nghệ nhân làng lại cùng nhau tập luyện, biểu diễn… Giữa bộn bề cuộc sống, bao vất vả mưu sinh, những con người bình dị vẫn luôn đau đáu có giữ được “hồn cốt” của làng có từ ngàn xưa…
Nét đẹp văn hóa truyền thống
Trao đổi cùng phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho biết, để khơi dậy trong mỗi người dân tình yêu quê hương và ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, huyện Bố Trạch đã đầu tư hỗ trợ kinh phí thành lập được 4 câu lạc bộ (CLB) nghệ thuật truyền thống.
Những năm qua, các CLB hoạt động khá hiệu quả thông qua việc biểu diễn phục vụ người dân địa phương, du khách đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và tham gia các chương trình của huyện, tỉnh nhân dịp Tết cổ truyền, lễ Quốc khánh 2-9. Trong số đó, CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú và CLB tuồng bội Khương Hà (xã Hưng Trạch) đã rất bài bản khi khôi phục, duy trì được đội tuồng với những nghệ nhân đầy tâm huyết.
Các CLB nghệ thuật truyền thống huyện Bố Trạch có vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân địa phương.
Không biết hát tuồng có từ bao giờ nhưng theo các bậc cao niên trong làng Khương Hà thì khi còn nhỏ đã từng theo đàn anh, đàn chị đi xem tuồng bội. Ông Phạm Ngọc Phấn, Chủ nhiệm CLB tuồng bội làng Khương Hà, cho hay: “Sau những biến cố, thăng trầm với nhiều đổi thay của thời cuộc, hiện nay, CLB duy trì 15 thành viên tham gia.
Với tất cả tâm huyết, say mê, CLB đã xây dựng được các tiết mục biểu diễn tuồng như: Đào Tam Xuân đề cờ khởi nghĩa, Ông già cõng vợ đi xem hội, Vì nước vì dân, 15 năm quật khởi… để biểu diễn phục vụ bà con nhân dịp lễ, Tết. Đặc biệt, cứ gần đến ngày 2-9 hàng năm, anh chị em trong CLB lại say sưa tập luyện, tham gia vào chuỗi các hoạt động mừng Quốc khánh trên quê hương di sản.”
Bỏ lại phía sau những nỗi lo của cuộc mưu sinh, khi tham gia vở diễn, các thành viên trong CLB hóa thân vào các vai diễn, như: Vua, chúa, tướng, binh lính, thầy đồ, học trò… với làn điệu nam ai, nam bình, tẩu mã, sa mạc, than, nói lối, trống quân… mang đậm bản sắc văn hóa Việt cả nội dung và hình thức. Có lẽ, do các vở diễn, diễn viên hóa thân vào nhân vật tái hiện đậm nét đặc trưng nghệ thuật tuồng bội, điển hình trong cuộc sống đời thường, nên đã ăn sâu trong tiềm thức của người Khương Hà, trường tồn theo năm tháng.
Giữa bộn bề cuộc sống, CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú (làng hát Kẻ Đòi) vẫn thu hút không ít gia đình với nhiều thế hệ tham gia như: Nghệ nhân Phạm Thị Hồng Phương cùng chồng và 2 con gái; chị Phạm Thị Linh hay ông Nguyễn Duy Sung có con trai, con dâu và cháu gái. Họ đều là những nhạc công, cây hát, múa giàu ý tưởng, nhiệt huyết và có tài năng thiên bẩm. Thế hệ người làng dù đi xa khắp bốn phương trời vẫn nằm lòng câu ca: “Đêm nằm nghe trống Kẻ Đòi/nghe chuông Kẻ Hạc/nghe còi Kẻ Lau”.
Nghệ nhân Phạm Thị Hồng Phương, Chủ nhiệm CLB đàn và hát dân ca xã Hải Phú chia sẻ: “Mỗi thành viên CLB có công việc khác nhau nhưng vì đam mê và yêu vốn văn hóa truyền thống làng quê, nên thường cố gắng sắp xếp mọi công việc, khắc phục khó khăn dành nhiều thời gian cho luyện tập khi có chương trình hội diễn hoặc có đơn vị, địa phương mời diễn”.
Trăn trở khôi phục lại những làn điệu tuồng xưa
Đời sống ngày càng tiến bộ, ấm no, người dân lại mong ước tìm về những giá trị tinh thần của cha ông xưa. Xã Mỹ Trạch cũng được biết đến là vùng đất khó khăn nhưng gắn liền với nét đẹp văn hóa của nghệ thuật hát tuồng bội. Tuy nhiên, nơi đây vẫn chưa hình thành được gánh hát hay CLB để sinh hoạt và khôi phục những tích tuồng xưa mà chỉ còn những câu chuyện kể, một số kịch bản tuồng, đạo cụ, nhạc cụ, phục trang được các nghệ nhân nâng niu cất giữ, mong một ngày không xa sẽ được vang lên và truyền cảm hứng cho thế hệ nối tiếp.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng, thực tế, những năm qua, các CLB nghệ thuật truyền thống trên địa bàn đã tích cực góp phần tạo thêm điểm nhấn trong các lễ hội, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với du khách thập phương về vùng đất di sản, con người thân thiện, mến khách. Huyện Bố Trạch đang tiếp tục khuyến khích các địa phương khôi phục các làn điệu dân ca truyền thống, nhất là nghệ thuật tuồng bội và thành lập các CLB để hoạt động có hiệu quả, giữ gìn nét đẹp đặc trưng văn hóa riêng của Bố Trạch.
CLB Tuồng bội Khương Hà có trên 20 thành viên, nay mai một chỉ còn 15 thành viên.
“Để vang mãi lời tuồng, giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông từ ngàn xưa để lại, chúng tôi mong muốn các ngành, các cấp quan tâm, tạo điều kiện giúp CLB mở rộng địa bàn giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, làm phong phú thêm lối diễn xuất cũng như chất lượng nghệ thuật biểu diễn; đồng thời được tạo cơ hội truyền dạy, khôi phục lại những điệu tuồng xưa, lưu truyền cho thế hệ mai sau.”, nghệ nhân Phạm Thị Hồng Phương trao đổi.
Ông Nguyễn Xuân Thịnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Bố Trạch cho biết thêm: “Sự hình thành và phát triển của các CLB, trong đó có khôi phục và duy trì loại hình nghệ thuật tuồng bội có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo lưu, phát triển nghệ thuật truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, góp phần tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, điều đáng trăn trở là các CLB nghệ thuật truyền thống trên địa bàn huyện hiện nay điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất hoạt động còn nhiều hạn chế; tham gia các CLB chủ yếu ở độ trung và cao tuổi, lớp trẻ rất ít”.
“Việc đầu tư kinh phí mua sắm trang phục, đạo cụ phù hợp với lối diễn của các tiết mục tuồng cũng rất quan trọng và làm sao để thu hút được lớp trẻ tham gia là trăn trở của thế hệ 6X, 7X chúng tôi. Nếu như những năm trước, CLB Tuồng bội Khương Hà có trên 20 thành viên, thì nay mai một chỉ còn 15.”, Chủ nhiệm CLB Tuồng làng Khương Hà Phạm Ngọc Phấn chia sẻ thêm.
“Để hoạt động của các CLB nghệ thuật truyền thống với việc bảo tồn làn điệu tuồng xưa đạt được kết quả, Bố Trạch tiếp tục hỗ trợ, động viên người dân tham gia vào các CLB. Các địa phương đã có các CLB cũng cần tạo điều kiện, hỗ trợ về trang thiết bị, địa điểm tập luyện, sinh hoạt cho các thành viên CLB để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Hữu Hồng cho hay.
Hương Trà
0 Nhận xét