(Xã hội) – Đêm 19-12-1946, thực dân Pháp nổ súng tấn công Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng…, cuộc kháng chiến chống Pháp chính thức bắt đầu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, trong một gia đình nghèo ở xã Tân Ninh (Quảng Ninh) có hai anh em ruột tạm biệt người thân lên đường kháng chiến.
“Ra đi từ mái tranh nghèo”
Ông Nguyễn Đình Khơi kể câu chuyện về ông Nguyễn Đại No và trận thảm sát tại hang Bệnh viện, chiến khu Rào Trù
Những năm trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tại làng Nguyệt Áng, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) có hai anh em tên Nguyễn Đại Nồng (SN 1923), Nguyễn Đại No (SN 1927), con ông bà Nguyễn Đại Trịnh và Nguyễn Thị Huệ. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, vào độ tuổi thanh niên, hai anh em rất cao lớn, phong độ, sống thương yêu nhau, chan hòa cùng mọi người và sớm giác ngộ cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám thành công, anh em Nguyễn Đại Nồng, Nguyễn Đại No gia nhập lực lượng du kích. Khi thực dân Pháp quay lại đánh chiếm tỉnh Quảng Bình, thực hiện lời kêu gọi của Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến tỉnh, huyện Quảng Ninh tiến hành cuộc chiến tranh du kích đánh địch, xây dựng chiến khu Rào Trù (thuộc xã miền núi Trường Xuân bây giờ) phục vụ kháng chiến lâu dài.
Ông Nguyễn Đình Khơi (SN 1927), nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Ninh giai đoạn 1960-965 nhớ lại: “Anh Nguyễn Đại No lúc này làm Trung đội trưởng Trung đội du kích xã, mới cưới vợ chừng một năm, chưa kịp có con thì lên chiến khu Rào Trù. Tôi và anh trai Nguyễn Đình Biển được anh No dặn ở lại hoạt động bán công khai, tìm cách tiếp tế lương thực, thu thập thông tin giặc Pháp gửi vào chiến khu”.
Theo những cứ liệu gia đình ông Nguyễn Đại Nồng còn lưu giữ thì hai anh em ông Nồng, ông No sau khi lên chiến khu Rào Trù đã vào bộ đội, cùng giữ chức Tiểu đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 274, Trung đoàn 269. Ông Nguyễn Đại No hy sinh năm 1947 trong một trận càn của thực dân Pháp vào chiến khu Rào Trù. Bốn năm sau, năm 1951, ông Nguyễn Đại Nồng hy sinh cũng tại nơi mảnh đất em trai mình ngã xuống.
Những trận thảm sát ở chiến khu Rào Trù
Chiến khu Rào Trù tiến hành xây dựng khi thực dân Pháp trở lại chiếm nước ta lần thứ hai. Nhờ vào địa thế hiểm trở mà chiến khu Rào Trù ngày một lớn mạnh, trở thành trung tâm đầu não kháng chiến của quân và dân huyện Quảng Ninh. Sau khi cơ bản bình định xong khu vực đồng bằng, thực dân Pháp tìm mọi cách tiêu diệt chiến khu Rào Trù.
Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh sơ thảo tập 1 (1930-1954) ghi lại: “Ngày 15-7-1947, địch từ đồn Vạn Xuân (Vạn Ninh) do tên việt gian Cháu Dèm ở thôn Kim Nại (An Ninh) dẫn đường tấn công vào Rào Đá, Bến Cùng (Trường Xuân) bắn chết nhiều người dân tản cư. Bốn gia đình gồm 24 người và 3 du kích bị thảm sát”.
Huy chương chiến thắng hạng Nhất do Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng cho ông Nguyễn Đại No
“Ngày 24-7-1947, thực dân Pháp tại hai đồn Xuân Dục, Vạn Xuân huy động lực lượng tấn công chiến khu Rào Trù. Địch chia làm hai hướng, mũi thứ nhất qua Rào Đá đến Rào Trù; mũi thứ hai từ Xuân Dục theo sông Long Đại ngược lên. Ở cả hai hướng, quân địch đều vấp phải sự chống trả quyết liệt của bộ đội và du kích. Khi chiếm được một phần chiến khu Rào Trù, thực dân Pháp thực hiện “ba sạch” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch).
Lúc này, Bệnh viện dã chiến huyện Quảng Ninh từ thôn Trần Xá chuyển lên đóng trong một hang đá ở Rào Trù. Bộ đội, du kích rút sâu vào rừng, những người còn lại trong bệnh viện phần lớn là thương binh, dân thường, y tá, hộ lý… Phát hiện ra bệnh viện, địch xả súng thảm sát giết chết 25 người trong đó có Huyện đội trưởng huyện Quảng Ninh Nguyễn Long Cổn, y tá trưởng bệnh viện Bùi Bá Lương.”
Ông Nguyễn Đình Khơi nhớ lại: “Dẫn đường cho thực dân Pháp càn vào chiến khu Rào Trù là tên Nguyễn Sừng người Quảng Trị ra lấy vợ tại thôn Hoành Phổ (An Ninh) và Lý trưởng thôn Nguyệt Áng Nguyễn Đại Ngông. Hai tên việt gian này rất thông thuộc “đường đi, lối lại” ở khu vực rừng núi chiến khu Rào Trù nên gây cho ta nhiều tổn thất.
Trong cuộc thảm sát tại Bệnh viện dã chiến huyện Quảng Ninh có ông Nguyễn Đại No. Ông No trúng đạn, bị thương nặng, thấy địch tiến vào, ông nằm lẫn giữa những người đã khuất vờ chết. Tên việt gian Nguyễn Đại Ngông đi lật từng xác người nhận diện, thấy ông No là người làng, Nguyễn Đại Ngông tiếp tục dùng báng súng trường đánh liên tục vào cơ thể ông No.
Sau khi địch rút đi, tôi và anh trai Nguyễn Đình Biển chạy lên cùng mọi người đưa anh Nguyễn Đại No về khu vực bản Đá Trơn (trước đây thuộc xã Trường Xuân, nay không còn). Vì vết thương quá nặng do tên Nguyễn Đại Ngông gây ra mà anh Nguyễn Đại No không qua khỏi. Anh được đồng đội chôn cất tại bản Đá Trơn, sau này hòa bình, người thân mới đưa về được”.
Mong ước người ở lại
Sau khi biết thông tin nơi hai ông Nguyễn Đại Nồng và Nguyễn Đại No ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp tại chiến khu Rào Trù, một ngày cuối tháng 8, tôi cùng với người thân hai ông trở lại thăm vùng đất một thời oanh liệt này và tìm hang đá nơi trước đây là Bệnh viện dã chiến huyện Quảng Ninh đóng và bị thực dân Pháp giết hại 25 người là cán bộ, chiến sỹ, y tá, hộ lý cùng người dân trong trận càn ngày 24-7-1947.
Ông Trần Văn Dạy (SN 1934), một nhân chứng trong vụ thảm sát đưa chúng tôi đến tận hang Bệnh viện. “Năm giặc Pháp giết người ở Bệnh viện dã chiến, tôi mới 13 tuổi, chứng kiến hết diễn biến sự kiện đau lòng này. Sau khi xảy ra trận thảm sát, đồng bào Vân Kiều ở Rào Trù gọi tên hang là hang Bệnh viện để ghi nhớ”, ông Dạy kể.
Từ dốc Ma Nang đổ xuống chiến khu Rào Trù, đi khoảng chừng một cây số thì đến hang Bệnh viện, nằm về phía bên phải cách đường 30m. Hang ăn sâu vào lòng núi đá, rộng thoáng, sức chứa chừng 100 người, có một lối thông lên phía trên lấy không khí, vì thế lòng hang luôn luôn thoáng mát, dễ chịu.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường Xuân Võ Thành Đồng cho biết: “Hang Bệnh viện hiện tại thuộc quản lý của Ban chỉ huy Quân sự huyện. Đảng bộ, nhân dân xã mong muốn các ngành chức năng của tỉnh sớm xem xét, công nhận hang là di tích lịch sử để chính quyền xã tôn tạo, sửa chữa, trở thành một “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ sau này”.
Sau khi ông Nguyễn Đại No hy sinh trong trận thảm sát hang Bệnh viện tại chiến khu Rào Trù, vợ ông tái giá. Mọi giấy tờ liên quan đến thân thế của ông No hầu như không còn. Tại nơi thờ tự ông và người anh Nguyễn Đại Nồng ở thôn Nguyệt Áng chỉ lưu giữ được tấm Huy chương Chiến thắng hạng Nhất do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa truy tặng ngày 6-3-1958, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký. Người thân ông Nguyễn Đại No mong muốn trên cơ sở cứ liệu do các nhân chứng hiện đang còn sống như ông Nguyễn Đình Khơi cung cấp và tấm Huy chương Chiến thắng hạng Nhất, sớm nghiên cứu công nhận, truy tặng chế độ liệt sỹ cho ông Nguyễn Đại No.
Ngô Thanh Long
0 Nhận xét