Hồi ức của nguyên Chủ tịch huyện đảo Trường Sa

featured image

(Xã hội) – Trong một ngày cuối tháng 4-2021, tại TP. Đồng Hới, Trung tá Phan Xuân Dạch, nguyên Trung đoàn phó Chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm không bao giờ quên về năm tháng hào hùng của đời binh nghiệp gắn bó với huyện đảo Trường Sa.
 

Chân dung cựu chiến binh Phan Xuân Dạch.Chân dung cựu chiến binh Phan Xuân Dạch.

Năm nay đã bước sang tuổi 78, nhưng ông vẫn khỏe mạnh, với tác phong  nhanh nhẹn của con nhà lính, ông kể: “Quê tôi thuộc xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn). Tháng 2-1964, khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, được công tác, chiến đấu, học tập ở nhiều đơn vị trong quân đội. Năm 1968, cuộc đời binh nghiệp của tôi bước sang trang mới khi được cấp trên điều chuyển công tác ở Quân chủng Hải quân”.
 
Trong hồi ức của mình, ông Phan Xuân Dạch luôn nhớ về những ngày cùng đồng đội lập nên bao chiến công oai hùng. Thời gian làm Chính trị viên đội 1 đặc công nước đánh tàu ngoại xâm tại Cửa Việt-Quảng Trị năm 1972, rồi làm Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 171 Quân chủng Hải Quân, ông nhớ nhất là kỷ niệm được Bộ Tư lệnh Hải quân cho phép tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cùng các quân binh chủng khác tiến vào Sài Gòn. Khi nhận được quyết định tham gia giải phóng Sài Gòn cũng như bao đồng đội khác, ông vô cùng xúc động, tự hào. Mệnh lệnh ghi rõ, chiều ra Hải Phòng gấp để kịp tham gia cùng đoàn quân.
 
Từ đơn vị, ông vội vàng thăm vợ ở thành phố Vinh, sau đó, cấp tốc mua vé tàu kịp giờ ra Hải Phòng. Bộ Tư lệnh Hải quân trao cho ông quyết định làm Phó Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 175 giải phóng Sài Gòn. Ông khẩn trương nhận quân trang lên đường theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn.
 
Đơn vị ông hành quân đến Cam Ranh từ ngày 22 đến 25-4-1975, lúc đó, Vũng Tàu, Sài Gòn chưa giải phóng, Xuân Lộc đang diễn ra các trận chiến ác liệt. Để kịp với tinh thần thần tốc, Bộ Quốc phòng cho xe ô tô chở các đơn vị Hải quân theo đường bộ để tham gia chiến dịch. Sáng 29-4, đơn vị ông hành quân theo bộ binh, giải phóng đến đâu hải quân ta đến đó tiếp quản tàu do hải quân ngụy để lại.
 
Ngày 30-4-1975, các đơn vị Hải quân vào tiếp quản Sài Gòn, “Do không quen đường nên 11 giờ trưa, đơn vị chúng tôi có mặt ở vị trí cầu Sài Gòn nhưng mãi đến 2 giờ chiều cùng ngày chúng tôi mới đến được trụ sở Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy đóng ở đường Bạch Đằng. Trung đoàn 175 chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ tiếp quản từ nhà máy Ba Son đến quân cảng Sài Gòn.
 
Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ lại theo kiểu dã chiến. Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Trung đoàn cải tạo khoảng gần 100 lính kỹ thuật của ngụy để sử dụng các tàu hiện đại do quân đội ngụy để lại. Nguyên tắc quân số trên tàu là ta 2/3 số lượng mỗi tàu để phòng bất trắc. Chúng tôi cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong niềm vui cùng cả nước hân hoan mừng đại thắng”, ông Dạch kể.
 
Đặc biệt, trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông Phan Xuân Dạch không thể nào quên những năm tháng gắn bó với quần đảo Trường Sa. Đó là vào tháng 8-1981, Bộ Tư lệnh Hải quân điều động ông làm Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 bảo vệ quần đảo Trường Sa. 3 năm sau đó, ông được cử làm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Tháng 1-1986, ông được điều động quay về làm Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146 bảo vệ quần đảo Trường Sa.
 
Thời gian đó, đời sống cán bộ, chiến sỹ trên quần đảo vô cùng khó khăn, gian khổ. Năm 1987, ông vinh dự được nhân dân huyện đảo Trường Sa bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện. Một năm sau, khi đồng chí Chủ tịch UBND huyện nghỉ hưu, ông được giao trọng trách Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa. Hơn 3 năm giữ trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó, ấn tượng sâu sắc của ông là tình đoàn kết quân dân, tình yêu, trách nhiệm với Tổ quốc của quân và dân huyện đảo Trường Sa…
 
Trong dòng hồi ức của mình, cựu chiến binh Phan Xuân Dạch không quên kỷ niệm ngày nào khi được người dân bầu vào trọng trách làm cán bộ chủ chốt UBND huyện đảo Trường Sa: “Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm khi tận mắt chứng kiến ngày bầu cử các cấp, quân và dân huyện đảo Trường Sa tự tay cầm lá phiếu bầu người đại diện cho mình để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi rất muốn trở lại thăm và tri ân quân, dân huyện đảo đã cùng chia ngọt sẻ bùi vượt qua bao khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ vinh quang xây dựng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…”.
 
                                                             Phan Hòa

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202104/hoi-uc-cua-nguyen-chu-tich-huyen-dao-truong-sa-2188488/
https://tinquangbinh.com/1201145/hoi-uc-cua-nguyen-chu-tich-huyen-dao-truong-sa/

Đăng nhận xét

0 Nhận xét