(Đât và Người) – Cùng với cán bộ, bộ đội, nhân dân cả tỉnh, cả nước, chúng tôi nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lòng ngưỡng mộ và kính yêu sâu sắc. Cùng với đó là nhiều ký ức trở về khi đã có một số lần được gặp, làm việc, được tháp tùng, tiếp thu những lời dạy của Đại tướng.
Năm 1969, với sự đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Thủy lợi giao cho Ủy ban Sông Hồng và Trường đại học Thủy lợi lập một đoàn cán bộ kỹ thuật cùng máy móc khảo sát, lập quy hoạch thủy lợi. Tôi được cử tham gia. Đoàn vinh dự được trực tiếp viếng Bác Hồ tại hội trường Ba đình và ngày 9-9, dự lễ tang Bác tại Quảng trường Ba đình. Trong lễ tang, sau khi Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn, nhiều người chạy lên ôm lấy bác Đồng, bác Giáp để khóc.
Sau buổi lễ, chúng tôi làm việc liên tục. Đến giữa năm 1971, báo cáo quy hoạch thủy lợi Quảng Bình được bộ, tỉnh thẩm định, phê duyệt. Quá trình làm việc, anh em rất tự hào vì được vào tuyến lửa, làm việc trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là một động lực để say sưa công tác về một vùng lớn có điều kiện tự nhiên đa dạng và thiên tai khắc nghiệt.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm huyện Quảng Ninh và phát biểu trước cán bộ và nhân dân năm 1992. Ảnh: TL-PP
Tranh thủ thời gian đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, chúng ta đã đẩy mạnh khôi phục, phát triển sản xuất, cùng với củng cố lực lượng sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho miền Nam. Tỉnh huy động các lực lượng nhân công và đơn vị xây lắp thực hiện nhiều công trình thủy lợi lớn như Đá Mài, Rào Nan, Đập Bẹ… Lực lượng lớn là các đơn vị từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu như Trung đoàn 186, các Binh đoàn “bộ đội không sao”: 104, 105, 202… tiếp tục thực hiện quân sự hóa khi làm kinh tế.
Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, tỉnh và bộ quyết định xây dựng công trình đại thủy nông Mỹ Trung. Tôi được Ty Thủy lợi giao làm chủ nhiệm công trình cùng với sự giúp đỡ của Viện Thiết kế. Lực lượng lớn gồm người, phương tiện, vật liệu cần triển khai gấp rút nhưng đường từ Nam Long về cầu chưa có. Chúng tôi nghĩ đến cần sự giúp đỡ của quân đội, đặc biệt Đoàn 559 vừa mới làm xong cầu phao hai làn ở Long Đại mà trước đó phải đi phà.
Đầu tháng 3 năm đó, bộ đội Trường sơn tổ chức lễ mừng công lớn tại căn cứ ở xã Hiền Ninh, vinh dự có Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dự. Sau khi đi kiểm tra tình hình Trường Sơn và dự lễ, Đại tướng và Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên làm việc với lãnh đạo tỉnh, có lãnh đạo một số sở, ngành.
Tôi được có mặt vì theo sự chuẩn bị, tỉnh sẽ đề xuất sự giúp đỡ của Đoàn 559 để xây dựng công trình thủy lợi, giao thông. Cuộc làm việc có kết quả lớn, Đại tướng nói về tình hình tiến triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trung ương chủ trương chi viện cho miền Nam bằng nhiều tuyến đường; QL1, QL15 xe quân đội sẽ liên tục chạy cả ngày đêm, cán bộ và nhân dân tỉnh nhà cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và phục vụ chiến trường…
Sau hội nghị, một khí thế phối hợp sôi nổi giữa các lực lượng. Chúng tôi cũng rất mừng vì công trình thủy lợi Mỹ Trung được gọi là công trình trọng điểm, gấp rút khởi công và chúng tôi đã được Cục Công binh của Đoàn 559 giúp thiết kế, cung cấp vật tư để làm cầu phao hai làn chịu được ở nơi thủy triều lên, xuống chảy xiết. Cống lớn được thi công xong phần bê tông cốt thép nền móng, chưa đắp đập ngăn sông; đầu năm 1975 được dừng lại.
Lúc này, tất cả các lực lượng của ta dốc sức cho miền Nam. Thực hiện chủ trương của Trung ương và mệnh lệnh “thần tốc, thần tốc hơn nữa…” của Đại tướng, suốt ngày đêm xe chạy nối đuôi nhau trên QL15, QL1, đường Hồ Chí Minh… chở quân đội, hậu cần vào Nam. Sân bay Đồng Hới cũng được lát ghi và là nơi tiếp vận bằng máy bay cho các lực lượng vận tải khác. Nhân dân vô cùng phấn khởi và thấy cuộc kháng chiến của ta thật vĩ đại, tham gia tích cực bảo đảm giao thông, chi viện sức người, sức của…
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Ảnh: Minh Quý
Phá Hạc Hải, môi trường sinh thái, hệ thống đê bao các dòng sông, úng lụt, điều kiện sản xuất, đời sống của nhân dân tỉnh ta là các vấn đề luôn được Đại tướng quan tâm hỏi han, nhắc nhở.
Năm 1985, khi Đại tướng về thăm quê, tại huyện Lệ Ninh, đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Đức Triển và tôi báo cáo tình hình các mặt. Đại tướng chăm chú lắng nghe và đề nghị tỉnh, huyện tiếp tục cân nhắc các giải pháp phục vụ sản xuất, đời sống, đặc biệt chú ý môi trường sinh thái.
Cũng trong chuyến thăm này, chúng tôi cùng đi với Đại tướng và gia đình lên viếng Nghĩa trang liệt sỹ huyện ở Mai Thủy. Sau khi kính cẩn thắp hương ở mộ người thân sinh là liệt sỹ Võ Quang Nghiêm và các mộ liệt sỹ khác, Đại tướng nói chuyện với mọi người. Khi về Huyện ủy, Đại tướng nói thêm: Nghĩa trang mới ở vị trí đồi cao và xây dựng đẹp, nhưng xung quanh còn nhiều vùng đất trống đồi trọc, trong lúc đó nhiều làng xóm đang ở vùng thấp dưới đường sắt Bắc-Nam.
Vì sao huyện chưa phát triển kinh tế vùng đồi, di dân một số làng xã lên? Huyện cần phân bổ lại dân cư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đại tướng đã giới thiệu chúng tôi kiểm nghiệm nước khoáng Bang tại Viện khoa học kỹ thuật Việt Nam để có cơ sở xây dựng nhà máy. Kết quả có chất lượng rất tốt cho sản xuất nước uống và cơ sở chữa bệnh.
Sau lời góp ý, nhắc nhở này, Huyện ủy đã họp bàn, lập kế hoạch, tổ chức phát động các địa phương. Được có thêm các chương trình của Nhà nước hỗ trợ, một số thôn di dời cả thôn như Văn Thạch, Võ Tân; nhiều thôn xóm mới, nhiều cơ sở kinh tế với hàng nghìn ha rừng trồng, cây cao su, cây ăn quả được hình thành; nhà máy nước khoáng Bang được xây dựng sớm, cạnh tranh được với nước khoáng Vĩnh Hảo. Kinh tế-xã hội vùng đồi, vùng ven biển được chú trọng phát triển.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trường THPT Đào Duy Từ, tháng 3-1999. Ảnh: TL-PP
Năm 1992, tôi công tác ở huyện, có con thi vào lớp chuyên của Trường THPT Đào Duy Từ nên được trường mời dự đón Đại tướng về thăm. Thầy giáo Hiệu trưởng nhà trường Dương Viết Tuynh báo cáo trường có 30 lớp với 3 hệ: năng khiếu, phổ thông và bán công; báo cáo các hoạt động và kết quả của trường… Đại tướng khen ngợi và động viên, nhắc nhở trường cần chú trọng đào tạo nhân lực và nhân tài cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước…
Cuối năm 1995, sau khi bảo vệ thành công các dự án ODA (khi đó UNDP vừa là Quỹ Phát triển vừa là đại diện cho Liên hiệp quốc tại Việt Nam), chúng tôi có gặp Trưởng đại diện. Ông nói: “Chúng tôi mừng cho các ông và biết Quảng Bình là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người đáng kính trọng. Nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng đang có nhiều khó khăn do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, các ông cần được quan tâm là đúng”. Nghe xong, tôi nói lời cảm ơn và trong lòng dâng lên một niềm tự hào đặc biệt.
Tâm đắc mãi lời của Đại tướng, bản thân tôi khi công tác ở UBND tỉnh, đã mời đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) và Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ bàn tách các lớp năng khiếu; mời nhà giáo ưu tú Trường Quốc học Huế về làm Hiệu trưởng, tiếp nhận giáo viên dạy giỏi, thành lập Trường THPT chuyên của tỉnh (lúc đó gọi là năng khiếu); đồng thời lập quy hoạch hệ thống trường, sở trong tỉnh, dành quỹ đất và điều kiện tốt cho GD-ĐT. Đề án được lập, báo cáo và được Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ GD-ĐT phê duyệt. Tỉnh ủy quyết định giao trụ sở hai tầng cho trường và triển khai kế hoạch xây trường ở vị trí mới.
Năm 1996, Đại tướng đến dự cuộc họp của Hội đồng hương Quảng Bình tại Hà Nội. Bà con rất vui mừng, tất cả đứng dậy vỗ tay không ngớt. Trong cuộc họp đó, hội đã suy tôn và kính đề nghị Đại tướng làm Chủ tịch danh dự. Thông qua Đại tướng và hội, chúng tôi cũng đã được giúp đỡ rất nhiều trong công tác, kết nối được nhiều chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực đối với kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Tầm vóc cao cả, ảnh hưởng rộng lớn, tốt đẹp và những lời dạy, khuyên bảo của Đại tướng đối với chúng ta đã giúp cho quê hương rất nhiều trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Phạm Phước
0 Nhận xét