(Kinh tế) – Sẵn sàng trực chiến đối mặt với lâm tặc, ngày đêm tuần tra trong rừng sâu… để bảo vệ màu xanh cho hơn 19 nghìn héc ta rừng phòng hộ. Đó là công việc thường nhật của hơn 30 nhân viên bảo vệ rừng (BVR) ở Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Minh Hóa. Dù vất vả, hiểm nguy, nhưng ở họ luôn toát lên một tình yêu mãnh liệt với nghề, “đồng cam cộng khổ” quyết tâm gìn giữ, bảo vệ “lá phổi xanh” đầu nguồn sông Gianh.
Sống với “rừng thiêng nước độc”
Một ngày đầu tháng 7-2021, chúng tôi đã đến thăm những người “gác rừng” ở Ban QLRPH Minh Hóa, nằm sát biên giới Việt -Lào. Câu chuyện của họ đã giúp chúng tôi hiểu được một phần nào công việc giữ rừng đầy vất vả, hiểm nguy nhưng cũng rất đáng tự hào.
Ông Đinh Xuân Thủy, Phó trưởng Ban QLRPH Minh Hóa cho biết, đơn vị đang quản lý, bảo vệ 19.116,33 ha rừng và đất rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh, thuộc địa bàn 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa. Rừng ở đây nhiều nơi còn nguyên sinh, nhiều gỗ rừng quý hiếm nên luôn bị lâm tặc “để mắt” tới.
Có một thời gian dài, địa bàn 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa là điểm nóng về nạn phá rừng. Cùng với đó, do tập quá canh tác của đồng bào người Khùa, người Mày bao đời nay là đốt nương làm rẫy nên tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép thường xuyên xảy ra…
Phút nghỉ ngơi bên trên đường tuần rừng của lực lượng BVR ở Ban QLRPH Minh Hóa.
Ban QLRPH Minh Hóa hiện có 2 Trạm BVR chính là Trạm BVR Ra Mai (đóng ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa) và Trạm BVR Ka Vàng (đóng ở bản Ka Vàng, xã Dân Hóa). Ngoài ra, để công tác BVR được hiệu quả hơn, ban còn lập thêm 4 chốt BVR cắm ở những địa bàn phức tạp, gần rừng, như: chốt ở tiểu khu 122a, chốt ở bản Dộ-Tà Vờng (Trọng Hóa); 2 chốt ở khe Nước Rụng (xã Dân Hóa)…
Theo ông Đinh Xuân Thủy, rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nơi bảo vệ nguồn nước, điều hòa khí hậu cho cả vùng rộng lớn ở phía Bắc tỉnh Quảng Bình. Nếu rừng ở đây bị phá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn dân ở phía hạ nguồn sông Gianh. Chính vì vậy, để giữ màu xanh cho những cánh rừng nơi đây, nhiệm vụ của những người BVR là hết sức nặng nề.
“Ở Ban QLRPH Minh Hóa, tuần tra rừng có thể xem là công việc vất vả nhất bởi diện tích rừng mà đơn vị quản lý chủ yếu nằm trong dãy núi Giăng Màn với địa hình chủ yếu là núi cao và khe sâu. Tuy vậy, công việc tuần rừng phải được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh kiểm tra thực trạng rừng, phát hiện lâm tặc xâm hại, anh em còn phải tìm kiếm, tháo bỏ các loại bẫy thú của những người săn bắt trái phép…”, ông Thủy chia sẻ.
Nơi Thượng nguồn sông Gianh. Ảnh: Tiến Hành
Cũng theo ông Thủy, những chuyến tuần rừng của lực lượng BVR ở đây thường phải kéo dài từ 3 đến 4 ngày. Có nghĩa là, phần lớn thời gian, công việc buộc họ phải sống ở trong rừng. Cuộc sống ở “rừng thiêng nước độc” khiến họ phải đối mặt với không ít gian nan, nguy hiểm đến tính mạng. Quá trình tuần tra, lực lượng BVR phải trèo núi, lội suối, bị muỗi, vắt rừng, đặc biệt là rắn độc tấn công. Có nhiều chuyến tuần rừng vào mùa mưa, gặp những cơn lũ lớn, bị kẹt lại trong rừng sâu dài ngày, lương thực mang theo hết sạch, anh em phải sử dụng các loại cây rừng cầm hơi qua ngày.
Anh Đinh Thanh Vi, Trạm phó Trạm BVR Ra Mai kể câu chuyện 4 năm về trước. Trong chuyến tuần tra rừng ở tiểu khu 65, khu vực khe Vàng, xã Trọng Hóa, tổ của anh gặp phải một trận mưa lớn. Nước lũ dâng cao đã chia cắt con đường men theo con suối mà họ vẫn thường đi. Vì sợ hết lương thực, nên các anh đã quyết định băng rừng để tìm đường ra, nhưng không may đã bị lạc. Ở trong rừng dài ngày, đi bộ nhiều nên bản thân anh Vi đã kiệt sức. Những đồng nghiệp đi cùng phải thay nhau dìu, cõng anh Vi, vừa tìm đường ra. May mắn, cuối cùng, mọi người đều an toàn ra khỏi rừng.
Hơn 10 năm công tác ở Trạm BVR Ra Mai, không ít lần anh Vi chứng kiến đồng nghiệp của mình gặp nạn do bị trượt ngã trên đường tuần tra hay bị các đối tượng lâm tặc chống cự, đe dọa… Gần đây nhất, vào tối 3-7-2020, trong lúc anh em ở Trạm BVR Ra Mai đang ăn cơm tối thì bất ngờ một nhóm đối tượng khoảng 13 người chạy vào trạm đập phá đồ đạc và đánh 4 người BVR bị thương…
Dựa vào dân để giữ rừng
Rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh do Ban QLRPH Minh Hóa quản lý, bảo vệ có diện tích 19.116,33 ha, trong khi nhân viên BVR của đơn vị chỉ hơn 30 người, tính ra, mỗi người phải quản lý, bảo vệ hơn 6.000 ha rừng. Diện tính rừng lớn, địa bàn trải rộng, vì vậy, trọng trách trên vai của những người “gác rừng” nơi đây ngày càng nặng nề.
Vậy nhưng, từ một địa bàn được xem là “điểm nóng” về phá rừng trước đây, hiện nạn phá rừng ở 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa đã giảm hẳn. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn 2 xã chỉ có 3 vụ vi phạm lâm luật, đã được cơ quan chức năng xử lý. Thành quả đó, theo ông Đinh Xuân Thủy, ngoài sự tích cực giữ rừng của đơn vị, sự phối hợp, giúp đỡ của lực lượng kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương, thì sự giúp đỡ của người dân 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa là rất quan trọng.
Ngoài việc nhận khoán BVR, các nhóm cộng đồng BVR ở các bản trên địa bàn 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa còn tham gia tuần rừng cùng lực lượng BVR của Ban QLRPH Minh Hóa, kịp thời phát hiện, báo tin những điểm, những vụ xâm hại rừng.
Cây cổ thụ ở rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh.
Ông Hồ Xon, Trưởng bản Cha Cáp (xã Trọng Hóa) cho biết, từ khi nhận khoán bảo vệ chăm sóc, bảo vệ 300ha rừng, người dân trong bản Cha Cáp thường xuyên tham gia các buổi tập huấn và tuyên truyền về BVR do Hạt Kiểm lâm và Ban QLRPH huyện Minh Hóa tổ chức, nên ý thức BVR của bà con ngày càng được nâng cao.
“Giữ tốt cái rừng phòng hộ đầu nguồn thì con cháu miềng mới có cơ hội được nhìn thấy những cây rừng to. Trong rừng mà không có những cây to như rứa thì mưa lũ sẽ về rất lớn, sẽ cuốn trôi bản làng, nhà cửa và nhiều thứ khác!”, ông Hồ Xon nói.
Trong khi đó, theo ông Đinh Xuân Thủy, thời gian gần đây, ngoài lực lượng chuyên trách của đơn vị, Ban QLRPH Minh Hóa đã tuyển và hợp đồng thời vụ với con em đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn vào làm nhân viên BVR. Hiện trong đơn vị đã có 8 nhân viên BVR là người ĐBDTTS ở địa phương, trong đó có 3 nữ gồm: Cao Thị Bình, Đinh Thị Thu Hoài và Hồ Thị Kiên.
“Tuy là phụ nữ nhưng 3 chị em cũng thường xuyên tham gia các chuyến tuần rừng như anh em. Những chuyến tuần rừng có chị em tham gia, anh em đỡ vất vả vì đã có chị em lo hậu cần rất chu đáo. Ngoài ra, những nhân viên BVR là người ĐBDTTS và phụ nữ rất có lợi thế trong việc tuyên truyền cho đồng bào mình thay đổi nhận thức về bảo vệ, quản lý rừng”, ông Thủy đánh giá.
Chia tay những người đang thầm lặng bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh ở Ban QLRPH Minh Hóa, hình ảnh đọng mãi trong chúng tôi đó là dù cho khó khăn, vất vả, ở họ luôn toát lên một tình yêu mãnh liệt với rừng, với nghề. Bởi, công việc của họ không những bảo vệ rừng, giữ gìn “lá phổi xanh” ở đầu nguồn sông Gianh mà còn góp phần bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
“Những lúc vất vả, hiểm nguy, nhưng có đồng nghiệp kề vai sát cánh đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Nghề BVR phải thực sự yêu, coi rừng như tính mạng của mình thì mới bám trụ nổi. Vậy nên, chừng nào rừng phòng hộ đầu nguồn sông Gianh còn nguy cơ bị xâm hại là chúng tôi sẵn sàng có mặt bất kể ngày, đêm để giữ gìn “lá phổi xanh” quý giá này!”, anh Đinh Thanh Vi, Trạm phó Trạm BVR Ra Mai tâm sự.
Phan Phương
0 Nhận xét